Vụ tranh luận đặt tên đường cho hai giáo sĩ De Pina và De Rhodes
“có công truyền bá chữ quốc ngữ” vào Việt Nam đến nay đã lắng xuống với quyết
định gác lại việc đặt tên, song những thảo luận xoay quanh “chữ quốc ngữ” vẫn
kéo dài mãi cho đến tận hôm nay.
Phần lớn các lập luận đều cho rằng “chữ quốc ngữ” là một “thành
công” của người Việt, trong việc đã có một hệ thống chữ viết riêng ghi âm lại
tiếng Việt và hệ thống chữ viết ấy được phổ cập toàn đất nước. Và vì vậy, những
người có công truyền bá “chữ quốc ngữ” vào Việt Nam là giáo sĩ De Pina và De
Rhodes cũng nên được tôn vinh. Những người đồng tình trong việc lấy tên tu sĩ
dòng Tên đặt tên đường tại Đà Nẵng cũng cho rằng, chẳng có chuyện “chữ quốc
ngữ” là công cụ chính trị do thực dân Pháp sử dụng để đồng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, những nghiên cứu ngôn ngữ và các kết quả tìm hiểu lại
đưa ra những nhận định ngược lại.
Đầu tiên, cần phải làm rõ một khái niệm cơ bản trong ngôn ngữ.
Trong ngôn ngữ, có phần tiếng và phần chữ. Tức là, một phần dùng lời nói để giao
tiếp, và một phần dùng chữ viết để ghi chép và giao tiếp. Những cuộn băng ghi
âm tiếng Việt từ thế kỷ 17-19 còn tồn tại đến ngày nay cho thấy, trong suốt 4
thể kỷ, tiếng Việt của người Việt không có nhiều sự thay đổi. Tức là, những gì
được nói vào những năm 1800 đều có thể được con người của năm 2019 nghe và hiểu
rõ (trừ một số từ ngữ đã quá cổ và mai một ý nghĩa). Bằng chứng này cho thấy về
bản chất, người Việt vẫn đang nói thứ tiếng vốn có của mình. Và cái thay đổi
trong suối thời gian qua là chữ viết – tức công cụ ghi lại tiếng nói của một
tộc người.
Thời Bắc thuộc, do không có hệ thống chữ viết – công cụ ghi chép
lại tiếng nói, nên người Việt buộc phải dùng chữ Hán để ghi chép. Tuy nhiên,
theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương, đến khoảng thế kỷ thứ 8-9, chữ Nôm đã
xuất hiện và dần tồn tại đồng hành cùng chữ Hán. Chữ Nôm chính là sáng tạo do
chính người Việt nghĩ ra và đưa vào sử dụng. Trong suốt thời kỳ tồn tại của
mình từ khoảng thế kỷ thứ 8-9 cho đến năm 1945, chữ Nôm được sử dụng để dịch
kinh điển, dịch văn học, sáng tác văn học, biên chép lịch sử, ghi chép khoa
học, văn bản hành chính, ghi chép văn hóa nghệ thuật,... Cũng bởi vai trò này,
tiếng Việt ngày càng được nâng cấp. Chữ Nôm chính là “Quốc ngữ” của người Việt
khi đó. “Quốc ngữ” ở đây được hiểu là ngôn ngữ của một bang quốc, một triều
đình, cụ thể là triều đình Đại Việt (tên nước thay đổi theo từng thời kỳ) của
người Việt.
Chỉ đến khoảng thế kỷ 16-17, chữ Latinh dùng để ghi tiếng Việt
mới xuất hiện tại Việt Nam, trong một phạm vi rất nhỏ là những nơi chịu ảnh
hưởng của các tu sĩ sang Việt Nam truyền đạo. Những người này cần có một hệ
thống chữ viết riêng, vừa là để ghi chép, vừa là để tách những người Việt theo
đạo ra khỏi cộng đồng trước đây. Chữ Latinh ghi tiếng Việt tồn tại nhỏ lẻ như
thế suốt cho đến thế kỷ 19.
Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam và quyết định dùng
thứ “chữ Latinh để ghi tiếng An Nam” này trong các văn bản hành chính, thì hệ
thống chữ viết này bắt đầu bước lên vũ đài chính trị. Từ thân phận chữ viết
ngoại lai của một cộng đồng tôn giáo, “chữ Latinh ghi tiếng An Nam” trở thành
công cụ của chính quyền, được thực dân Pháp công nhận. Đặc biệt, việc đưa chữ
này thành 1 ngôn ngữ báo chí đã đánh dấu mốc quan trọng. Kể từ đây, ở Việt Nam
tồn tại song hành 3 ngôn ngữ với 4 loại văn tự: tiếng Việt ghi bằng chữ
Nôm, tiếng Việt ghi bằng chữ Latinh, tiếng Hán và tiếng Pháp.
Chữ Nôm vẫn tồn tại cho đến khi Võ Nguyên Giáp kí sắc lệnh chấm
dứt tính trạng đa ngôn ngữ, đa văn tự này vào năm 1945.
Khái lược sơ qua về lịch sử tiếng Việt kể trên để người đọc có
thể thấy được rằng, lịch sử hình thành tiếng Việt không phải chỉ có mỗi “chữ
quốc ngữ”, hay “chữ Latinh ghi tiếng An Nam”. Hệ thống chữ của người Việt đầu
tiên là chữ Nôm, nhưng đã bị soán vị bởi những chữ viết ngoại vi do các tu sĩ
Dòng Tên tạo nên. Và trong số các nước đồng văn khác như Nhật, Hàn, Trung, chưa
có một quốc gia nào mà quá trình chuyển đổi chữ viết diễn ra gay gắt đến mức
xóa bỏ hoàn toàn di sản chữ viết truyền thống như ở Việt Nam. Thực tế là, người
Trung Quốc sử dụng cả chữ Hán và Pinyin; người Nhật có cả Kanji (Hán tự),
Hiragana, Katagana (chữ cái Nhật), và Romanji. Pinyin, Romanji chính là chữ
Latinh ghi tiếng Hán, Nhật. Nhưng vị trí của hệ chữ này không hề lấn át hệ chữ
truyền thống của mỗi quốc gia. Còn “chữ Latinh ghi tiếng Việt” thì lại khác.
Nhờ sự trợ giúp của thực dân Pháp và sự gia tăng quyền lực mạnh mẽ của thế lực
Công giáo, cũng nhờ tính tiện dụng của nó, “chữ Latinh ghi tiếng Việt” đã “hất
cẳng” chữ Nôm, xóa sổ truyền thống Việt, và trở thành hệ thống duy nhất ghi
tiếng Việt.
Sự đứt gãy với ngôn ngữ truyền thống kể từ sau 1945 đã khiến
người Việt đối mặt với nhiều trở ngại hơn là lợi ích: Đó là cho đến nay, có quá
ít người đủ khả năng tìm hiểu về văn hóa truyền thống hay những di sản của
người Việt xưa. Chữ Nôm hoàn toàn biến mất khiến cho nhiều người Việt ngày nay,
do chỉ được học “chữ Latinh ghi tiếng Việt”, không biết và có một chút lịch sử,
văn hóa, đời sống chính trị xã hội... gì về thời kỳ trước thế kỷ 19.
Đến nay, nhiều người trân trọng trao cho “chữ Latinh ghi tiếng
Việt” cái tên “chữ quốc ngữ”, coi đó là quốc hồn, quốc túy của người Việt. Tuy
nhiên, đó là một nhận định cảm tính và thiếu căn cứ. Những người ủng hộ “chữ
Latinh ghi tiếng Việt” như Hoàng Hưng, Nguyễn Phúc Anh, Chu Hảo,... thực chất đều
là đang cố tình phủ nhận đóng góp hoàn thiện tiếng Việt của nhiều người trong
suốt quá trình lịch sử từ thế kỷ 8-9 đến nay; đồng thời đề cao thái quá đóng
góp của những tu sĩ với lập luận thiếu xác thực, thiếu căn cứ.
Thậm chí, nghiên cứu về lịch sử phát triển “chữ quốc ngữ” của
Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly còn đem đến một thông tin quan trọng hơn: Francisco de
Pina và Alexander de Rhodes không phải người tạo ra “chữ Latinh ghi tiếng
Việt”. Hệ chữ này được tạo nên bởi nhiều giáo sĩ khác nhau, và phục vụ cho mục
đích duy nhất là truyền đạo. Như vậy đánh giá về hai nhân vật này, thực chất
không cần quan tâm đến chuyện họ có công hay tội, mà chỉ cần nhìn đơn giản qua
mục đích của họ: tạo ra một hệ thống chữ viết riêng để truyền đạo và tách các
giáo dân ra khỏi cộng đồng trước đây. Thực tế này cũng cho thấy, hoàn toàn
không có lý do chính đáng nào để tôn vinh Alexander de Rhodes và Francisco de
Pina, vì công lao không thuộc về họ, và họ chỉ là bình phong cho thế lực Công
giáo phô trương thanh thế và cho các thế lực chính trị khác nhau công khai quan
điểm trái chiều.
“Chữ Latinh ghi tiếng Việt” chiếm ưu thế tuyệt đối sau 1945, đơn
giản là vì dễ học, dễ đọc, dễ viết. Tuy nhiên, rõ ràng việc này “lợi bất cập
hại”, khi mà dù người Việt có thể đọc, có thể viết, nhưng lại không biết đọc
những văn bản cổ của chính dân tộc mình.
Các trí thức phản biện ra sức tôn vinh “chữ quốc ngữ” nhưng lại
quên mất rằng chính “chữ quốc ngữ” đã tạo nên sự đứt gãy văn hóa này. “Chữ quốc
ngữ” đã tranh đoạt vị thế của chữ Nôm; và về lâu về dài, nếu người Việt hoàn
toàn không còn khả năng khảo cứu các văn bản chữ Nôm – chữ cái do chính người
Việt tạo ra – thì cả một thời kỳ lịch sử 10 thế kỷ của dân tộc Việt cũng biến
mất, hay nói chính xác hơn, là lịch sử dân tộc Việt bị xóa sổ bởi chính việc tôn
sùng “chữ quốc ngữ” quá đà. Đây, chắc chắn không phải là một điều tốt đẹp và
đáng để tôn vinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét