Loa Phường
Trước các câu hỏi mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra
trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XII của Đảng Cộng sản Việt
Nam, diễn ra vào giữa tháng 05/2019, từ tuần trước, dư luận phi chính thống đã
bắt đầu đồn đoán về khả năng “đổi mới chính trị” trong Đại hội Đảng lần thứ
XIII. Trong tuần vừa qua, luồng dư luận này đã tiếp tục phát triển theo 3 hướng
song song – là đề xuất các hướng “đổi mới chính trị”, phủ nhận khả năng “đổi mới
chính trị”, và đề xuất những việc mà giới chống đối cần làm để thúc đẩy hoặc tận
dụng “đổi mới chính trị”.
Trong hướng tuyên truyền thứ nhất, các nhóm khác nhau đang
đề xuất 4 lối “đổi mới” khác nhau. Một là bỏ chủ nghĩa xã hội để theo chủ nghĩa
dân tộc, hai là cải cách theo hướng pháp quyền, ba là chuyển từ độc đảng sang
đa đảng, bốn là “xoay trục từ Trung qua Mỹ”.
Cụ thể, lối “chủ nghĩa dân tộc” do Nguyễn Ngọc Chu đại diện.
Chu kêu gọi sửa đổi Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam; theo hướng chuyển từ một
đảng của giai cấp công nhân, hoạt động theo chủ nghĩa Marx – Lenin và tư tưởng
Hồ Chi Minh để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản;
thành một đảng của dân tộc, “tôn thờ” truyền thống của “cha ông” để “xây dựng một
nước Việt Nam dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc”. Để chứng minh quan điểm của
mình, Chu viện dẫn các phát ngôn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và “truyền thống”
của “cha ông”, rồi nói rằng “không được làm trái với cha ông”, ai làm ngược lại
sẽ có tội với dân tộc và “bị lịch sử phán xét”.
Lối “pháp quyền” được đại diện bởi Tô Văn Trường. Trong một
bài viết trên BBC, ông Trường đưa ra quan điểm của mình bằng cách trả lời 3 câu
hỏi trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 Khóa XII của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng. Về câu hỏi “Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước không?”,
Trường cho rằng chỉ cần bỏ phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân, đồng thời
thu hẹp kinh tế nhà nước vào các lĩnh vực mà tư nhân không thể làm, và giám sát
chặt chẽ bằng các cơ chế công khai, minh bạch. Về câu hỏi “Đổi mới chính trị có
phải là đổi mới chế độ chính trị không?”, Trường cho rằng cần tập trung vào việc
“thiết lập cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, quyết định đối
với hệ thống chính trị, sự vận hành của hệ thống chính trị và đường lối phát
triển đất nước”. Về câu hỏi “Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng Cộng sản Việt
Nam không?”, Trường cho rằng “nếu sửa đổi đường lối quản trị quốc gia thì mặc
nhiên phải thay đổi Điều lệ Đảng”, còn trong khi chờ đợi việc đó thì “chỉ cần Đảng
hoạt động theo hiến pháp, pháp luật, làm những gì đã nói”, “ra đạo luật bảo vệ
sự độc lập của tư pháp” “thì cũng là tốt rồi”.
Lối “đa đảng” được đại diện bởi Trần Gia Ninh. Ninh so sánh
các con số về tăng trưởng kinh tế để khẳng định rằng chế độ đa đảng luôn ưu việt
hơn chế độ độc đảng, và thể hiện mong muốn rằng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
sẽ chuyển đổi thể chế chính trị của Việt Nam sang đa đảng. Mai Quốc Ấn cũng viết
một số bài theo hướng này. Ngoài ra, Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu
và Tương Lai viết kiến nghị đòi đưa các câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội gần nhất, đồng thời trưng cầu dân ý về
chúng.
Sau cùng, lối “xoay trục từ Trung qua Mỹ” được đại diện bởi
Trần Đình Thu. Thu bình luận rằng chỉ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “mới có khả
năng xoay trục”, vì Chủ tịch vừa đang nắm giữ quyền lực tập trung, vừa không
tham nhũng.
Trong hướng tuyên truyền thứ hai, An Viên (VNTB) phủ nhận
khả năng “đổi mới” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Viên viết rằng Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng không có khả năng “xoay trục” vì 2 lý do: một là nguyên tắc “tập
thể lãnh đạo” trong sinh hoạt Đảng, hai là việc Chủ tịch chưa kê khai tài sản để
chứng minh mình không tham nhũng.
Trong hướng tuyên truyền thứ ba, Nguyễn Kiều Dung đề nghị
giới chống đối “tự đề ra” “những yêu sách cụ thể, thiết thực hơn” để tạo dư luận,
nhằm thúc đẩy Đảng “đổi mới chính trị”. Dung cũng đưa ra một nhóm yêu sách ví dụ
bao gồm 4 điểm: đòi quyền đăng ký tổ chức các cuộc biểu tình có nhân số dưới
200 người, trong khuôn viên có hàng rào bao quanh; đòi 30 – 50% số ghế đại biểu
Quốc hội do dân bầu trực tiếp; đòi cấp phép hoạt động cho 2 – 3 tờ báo tư nhân
và 1 – 2 đảng đối lập.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin
đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, trong các bài viết vừa kể, chỉ có bài viết của Tô
Văn Trường bám sát các phát biểu, văn bản trong Hội nghị Trung ương 10. Nội
dung của các bài viết còn lại cho thấy dường như các tác giả không đọc kỹ các
văn bản trong Hội nghị, cũng không quan tâm đến chủ trương của Đảng Cộng sản.
Như vậy, ta có lý do để nghi ngờ rằng trừ ông Trường, các tác giả còn lại không
thật sự muốn góp ý cho Đại hội XIII. Họ chỉ muốn tận dụng việc “góp ý, kiến nghị”
để phát biểu các chủ kiến chính trị riêng của mình, không liên quan đến chủ
trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm thuyết phục và tập hợp quần chúng, đồng
thời khiến quần chúng thất vọng với chế độ khi các “kiến nghị” không được thực
hiện. Khi họ thể hiện một thái độ thiếu tôn trọng, thiếu thành thực như vậy,
thì Đảng cũng không có trách nhiệm phải lắng nghe. Trong tương lai, nếu các tác
giả muốn phát biểu chủ kiến chính trị của riêng mình, họ nên tự viết các bài độc
lập trên blog cá nhân, thay vì lợi dụng danh nghĩa “góp ý” cho Đại hội Đảng.
Thứ hai, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi trong
Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII của Đảng Cộng sản, ông đang định hướng các
sinh hoạt nội bộ của Đảng, chứ không phải lập nghị trình cho Quốc hội Việt Nam.
Vì vậy, việc đưa các câu hỏi này ra trưng cầu dân ý hoặc thảo luận ở Quốc hội,
như kiến nghị của nhóm giáo sư Tương Lai, là không phù hợp với nguyên tắc. Ở mọi
nước, đa đảng cũng như độc đảng, các đảng cầm quyền chỉ đưa ra Quốc hội những
chủ trương mà nội bộ Đảng đã thống nhất với nhau. Khi nhóm giáo sư Tương Lai
trình một kiến nghị có nhiều sơ hở như vậy, độc giả có quyền đánh giá rằng nhóm
này hoặc không nắm vững, hoặc thiếu tôn trọng kiến thức chính trị.
Thứ ba, kiến nghị của
Nguyễn Kiều Dung – rằng giới “dân chửi” cần “tự đề ra” “những yêu sách cụ thể,
thiết thực hơn” để tạo dư luận, nhằm thúc đẩy Đảng “đổi mới chính trị” – có phần
ảo tưởng ở 2 điểm. Thứ nhất, loạt “yêu sách” mà Dung lấy làm ví dụ cho thấy
Dung không hề nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam, nghị trình của Quốc
hội Việt Nam và nội dung thảo luận của Đại hội Đảng lần thứ XIII, như những gì
mà người vận động chính sách cần làm, trước khi soạn “yêu sách”. Thứ hai, một
giới “dân chửi” đang tranh nhau đi nước ngoài tị nạn vừa không có tư cách, vừa
không có nguồn lực để đặt ra những “yêu sách” to tát như Dung nêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét