Sau 2 bài viết “Nên bỏ trường chuyên”
và "Không muốn nuôi "gà
chọi", nhiều người đồng tình bỏ trường chuyên" của tác giả
Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi rất đồng tình ý kiến với
tác giả.
Theo tác giả, việc duy trì
mô hình học tập có trường chuyên đã không còn hiệu quả chỉ gây lãng phí cho nhà
nước, gây ra sự bất bình đẳng giữa người học.…
Cũng theo tác giả Hữu Sơn,
ngành giáo dục cần kiên quyết loại bỏ, đừng níu kéo, cố giữ nữa, chỉ thêm khổ
con em và nhân dân.
Theo cá nhân tôi, cần xóa
bỏ không chỉ mô hình trường chuyên, mà ngay cả các lớp chọn trong trường phổ
thông cũng phải dẹp bỏ.
Xóa mô hình trường chuyên,
lớp chọn là việc làm cấp thiết để tạo sự công bằng, bình đẳng giữa người học,
là việc làm nhân văn, hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Từ Nghị quyết Trung ương
đến các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều quy định không được tổ
chức lớp chọn trong
trường phổ thông ở tất cả các cấp, bậc học trừ các trường năng khiếu và thể dục
thể thao.
Nhưng hiện nay hầu như tất
cả các trường phổ thông trong cả nước từ trung học cơ sở đến trung học phổ
thông vẫn còn cố tình lách luật duy trì hình thức lớp chọn.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã từng phát biểu:
“Nhằm đảm bảo sự công bằng
về điều kiện học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thừa nhận bất kỳ sự tồn tại
của lớp chọn nào trong trường phổ thông, nếu trường nào vi phạm, còn để hình
thức lớp chọn tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào đều bị xử lý nghiêm”.
Nhưng các trường phổ thông
lấy lý do là nên duy trì lớp chọn để tạo mũi nhọn hay nói đúng hơn là duy trì
thành tích có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia.
Theo tôi, việc Bộ Giáo dục
và Đào tạo quy định không duy trì lớp chọn là việc làm rất đúng đắn, duy trì
lớp chọn sẽ tạo ra sự bất công, mất bình đẳng trong môi trường giáo dục, kéo
theo chất lượng học tập, đạo đức của học sinh toàn trường tụt dốc.
Mục đích duy nhất duy trì hình
thức lớp chọn là kỳ thi học sinh giỏi
Quy định của Bộ Giáo dục và
Đào tạo không cho phép tổ chức lớp chọn trong trường phổ thông ở tất cả các cấp
học, bậc học và chỉ cho phép các trường chuyên ở bậc trung học phổ thông mở các
lớp chuyên Toán, Lý, Hóa, Sinh…
Nhưng lấy lý do có kỳ thi
học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh (học sinh lớp 9), kỳ thi học sinh giỏi cấp
tỉnh, cấp quốc gia (học sinh lớp 12) nên các trường tìm mọi cách lách luật để
duy trì các lớp chọn trong trường phổ thông.
Ở bậc trung học cơ sở và
trung học phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12, nhà trường lập ra các lớp chọn với mục
đích duy nhất là luyện “gà chọi” để cạnh tranh tỷ lệ học sinh giỏi, cạnh tranh
thành tích học sinh giỏi để làm đẹp các báo cáo hay làm căn cứ xét thi đua cho
các trường.
Để lách luật và “qua mặt”
các đoàn kiểm tra, các trường tổ chức các lớp chọn dưới danh nghĩa không đặt
lớp chọn ở các lớp đầu như 6/1, 7/1…mà tổ chức các lớp chọn ở cuối hoặc lớp
giữa như 6/4, 7/3…là các lớp chọn.
Thật ra rất dễ để các đoàn
kiểm tra phát hiện ra việc tồn tại kiểu lách luật các lớp chọn như chỉ cần kiểm
tra danh sách kèm kết quả học sinh đầu năm hoặc cuối năm chỉ cần người có mắt
tinh tường nhìn vào các em học sinh trong lớp thì biết ngay đó là lớp chọn mà
thôi.
Nhưng các cấp quản lý cũng
vì lý do thi học sinh giỏi, nếu không duy trì hình thức lớp chọn sẽ mất đi các
em thi học sinh giỏi đạt kết quả cao, vì thành tích của trường, của địa phương
nên nhiều cán bộ quản lý giáo dục đã cố tình làm ngơ cho các vi phạm của các trường.
Thậm chí nhiều trường phổ
thông duy trì từ 2 đến 3 lớp chọn cho mỗi khối.
Lớp chọn kéo theo chất lượng chung của trường đi xuống, bất công cho người học, mất đoàn kết nội bộ.
Lớp chọn kéo theo chất lượng chung của trường đi xuống, bất công cho người học, mất đoàn kết nội bộ.
Chất lượng học sinh đại trà
trong trường phổ thông hiện nay không cao, nhiều học sinh có học lực trung
bình, yếu nhưng việc mỗi khối lớp chọn ra các em học sinh giỏi, khá và tập
trung vào các lớp chọn nên khi lấy ra được các lớp chọn thì các lớp còn lại chủ
yếu là học sinh trung bình, yếu.
Các lớp còn lại học tập rất
yếu không có yếu tố cạnh tranh, không có nhân tố có học lực khá, giỏi để cạnh
tranh hay để thúc đẩy các học sinh khác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, vì các lớp còn
lại chủ yếu là học sinh trung bình, yếu nên khi vào lớp giáo viên cũng rất khó
dạy, học sinh thì yếu và không có học sinh phát biểu hay học sinh giải được các
bài toán.
Điều này chỉ có lợi cho lớp
chọn và có lợi cho việc bồi dưỡng học sinh giỏi, thi học sinh giỏi các cấp.
Nhưng hệ lụy của nó là tất
cả các lớp còn lại học tập sa sút, xuống cấp, học sinh thụ động, sức ỳ trong
giáo dục tăng lên, mất đi sự công bằng trong giáo dục, mất đi ý nghĩa của câu
nói “dành mọi điều tốt đẹp nhất cho người học” .
Trong lớp học có nhiều học
sinh giỏi thì sẽ kéo theo các học sinh khác cùng tiến bộ, có nhiều học sinh
ngoan sẽ kéo theo nhiều học sinh ngoan đó chính là nguyên lý muôn đời của giáo
dục.
Tục ngữ có câu “gần mực thì
đen, gần đèn thì sáng”.
Việc duy trì một lớp chọn
gần như toàn bộ học sinh giỏi, ngoan còn ở các lớp còn lại chỉ còn lại học sinh
trung bình, yếu thậm chí chưa ngoan là cách làm phản giáo dục.
Rõ ràng đó là sự mất mát
lớn của các em học sinh, đó là sự bất công, bất bình đẳng trong môi trường giáo
dục và kìm hãm sự phát triển chung của cả trường.
Không những thế, khi hình
thành các lớp chọn thì việc lựa chọn giáo viên dạy các lớp chọn cũng theo kiểu
“chọn mặt gửi vàng”. Giáo viên được phân công dạy lớp chọn là những giáo viên
có chuyên môn tốt, nhiệt tình, dạy tốt.
Nên thêm một bất công lớn
nữa là các em học sinh học lớp thường đã bị xếp học sinh lớp yếu nay lại mất đi
cơ hội được học những thầy cô giỏi, nhiệt tình, tâm huyết.
Điều này kéo theo lợi ích
nhóm trong việc “chạy” học sinh vào lớp chọn;
Giáo viên “chạy” được dạy
lớp chọn, vì giáo viên nào dạy được lớp chọn thì sẽ dạy thêm được học sinh khá
nhiều, chỉ có học sinh các lớp còn lại là thiệt thòi trăm bề.
Các giáo viên thì tranh
nhau được dạy lớp chọn, vì sẽ không lo bị cắt thi đua do chất lượng, duy trì sĩ
số, lên lớp thẳng… dẫn đến “chạy” lãnh đạo nhà trường.
Giáo viên không được dạy
lớp chọn thì bị thiệt thòi, ức chế, bất công,…nên tạo thêm sự bất mãn của các
giáo viên không được dạy lớp chọn, tạo nên sự mất đoàn kết nội bộ năm này qua
năm khác.
Chỉ có một điều lợi cho
việc học sinh giỏi mà kéo theo chất lượng học tập của cả trường và tinh thần,
thái độ học tập đều đi xuống, bất công giữa người học, người dạy, mất đoàn kết
nội bộ, có đáng như thế không?
Những giải pháp thực hiện mô
hình trường học không lớp chọn
Hiện nay, nhiều trường học
trên thế giới đã bỏ hình thức lớp chọn chỉ duy trì hình thức xếp lớp duy nhất
là chia đều học sinh ở tất cả các lớp, đó là sự công bằng trong giáo dục.
Nhưng vì vẫn duy trì kỳ thi
học sinh giỏi nên ở nước ta vẫn tồn tại hình thức lớp chọn trên.
Theo tôi nên ngừng việc tổ
chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia ở tất cả các cấp học
qua đó xóa bỏ hoàn toàn các lớp chọn trong trường phổ thông.
Có ý kiến cho rằng, nên duy
trì lớp chọn ở khối lớp 9 và lớp 12 để tập trung học sinh giỏi vào thi học sinh
giỏi, tôi cho rằng ý kiến trên là thiển cận, chủ quan.
Học sinh lớp cuối cấp là
lớp 9, lớp 12 rất quan trọng trong việc thi tuyển sinh vào lớp 10 hay tuyển
sinh vào các trường cao đẳng, đại học. Nếu duy trì 2 lớp chọn cuối cấp thì
“hại” nhiều hơn “lợi”.
Không duy trì lớp chọn sẽ
khiến chất lượng và thái độ học tập chung của trường nâng lên, điều đó sẽ làm
cho chất lượng thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh đại học sẽ nâng lên.
Nếu vẫn duy trì thi học
sinh giỏi thì có thể chọn học sinh ở các lớp khác nhau bồi dưỡng không nhất
thiết phải có lớp chọn.
Xin đừng chú trọng duy nhất
mũi nhọn mà quên đi cái quan trọng mà nhân dân cần đó là chất lượng đại trà.
Theo tôi nên xóa bỏ hình thức
lớp chọn trong các trường phổ thông theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xử
lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Qua đây kêu gọi các cơ quan
báo chí, nhân dân nếu phát hiện cơ sở giáo dục nào vi phạm báo về Bộ Giáo dục
và Đào tạo để xử lý.
Tại các trường phổ thông
phân bố đều học sinh giỏi tập trung ở các lớp, tại mỗi lớp các học sinh giỏi
phân bố đều trên từng dãy bàn, không để tập trung học sinh giỏi vào khu vực để
các em học sinh có học lực khá giỏi giúp đỡ, kéo theo các học sinh khác cùng
phát triển.
Hiện nay, chất lượng học
sinh yếu, kém đã đến mức báo động, bằng chứng là có nhiều học sinh ngồi nhầm
lớp trong đó có nguyên nhân là do việc duy trì hình thức lớp chọn trong trường
phổ thông.
Để tạo sự công bằng trong
giáo dục, tạo môi trường học tập cạnh tranh, lành mạnh, bình đẳng… đã đến lúc
phải xử lý nghiêm minh sự vi phạm của các cơ sở giáo dục vẫn “lén lút” duy trì
hình thức lớp chọn trong trường phổ thông, đừng tạo nên sự bất công quá lớn của
người học, người dạy.
Đó cũng chính là cách thức
tốt nhất để thúc đẩy sự công bằng và hướng đến toàn bộ học sinh học tập tốt
nhất.
Xin một lần nữa nhắc lại
câu chốt trong bài viết của tác giả Hữu Sơn “Mô hình giáo dục nào không còn
hiệu quả thì Nhà nước, ngành giáo dục cần kiên quyết loại bỏ, đừng níu kéo, cố
giữ nữa, chỉ thêm tội lỗi với con em và nhân dân”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét