Loa Phường
Trong
dịp kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc, diễn ra vào ngày 17/02/2019
vừa qua, một số thành phần chống đối, bất mãn đã tổ chức các hoạt động tụ tập
đông người, gây mất trật tự công cộng, để tận dụng dịp kỷ niệm cho các hoạt động
tuyên truyền của họ. Khi các hoạt động này có dấu hiệu bị ngăn cản bởi cơ quan
chức năng, họ đã đồng loạt tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam đang ngăn cấm
người dân tưởng niệm Chiến tranh Biên giới phía Bắc, do "sợ Trung Quốc".
Hướng
tuyên truyền này chủ yếu xoay quanh 2 vụ việc, là vụ nhóm Nguyễn Khắc Mai không
được căng biểu ngữ khi lên thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, và vụ cái lư
hương dưới tượng ông Trần Hưng Đạo tại Quận 1, TP.HCM bị di chuyển.
Trong
vụ việc thứ nhất, ngày 15/02, ông Nguyễn Khắc Mai dẫn một đoàn gồm 26 người lên
thắp hương, tưởng niệm ở nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nơi chôn cất nhiều liệt
sĩ hy sinh trong Chiến tranh Biên giới Việt - Trung. Đoàn của ông Mai gồm một số
thành viên Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết, do ông đứng đầu; và một số
thành viên "nhóm No-U" như Nghiêm Việt Anh, Lê Hoàng, Đặng Bích Phượng...
Khi họ chuẩn bị chít khăn, căng biểu ngữ để chụp ảnh, đăng lên mạng; ban quan
lý nghĩa trang ngăn họ lại, với lý do rằng phải đăng ký, xin phép trước khi tụ
tập căng biểu ngữ, và không được làm ồn ào ở nghĩa trang.
Trong
vụ việc thứ hai, ngày 17/02, chính quyền Quận 1, TP.HCM đã tiến hành di dời chiếc
lư hương đặt dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo, thuộc địa bàn quận. Vì tượng
đài này là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình "chống Trung Quốc",
hoặc các cuộc tụ tập, căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu trong các dịp kỷ niệm Chiến
tranh Biên giới Việt - Trung những năm trước đây, việc di dời lư hương đúng
ngày 17/02 đã bị các thành phần bất mãn đồng loạt phản đối. Họ tuyên truyền rằng
Quận làm vậy để "ngăn cấm người dân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi
sinh để chống ngoại xâm". Trong khi đó, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM khẳng
định rằng việc di dời lư hương tại công trình tượng đài Trần Hưng Đạo là việc
bình thường, thực hiện theo kế hoạch đã có trước đó. Cụ thể, cuối tháng
07/2018, UBND Quận 1 có văn bản xin chủ trương sửa chữa tượng đài Trần Hưng Đạo
và tượng đài Thánh Gióng trên địa bàn Quận. Sau khi có ý kiến tham mưu về
chuyên môn, ngày 15/01/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có văn
bản giao UBND Quận 1 thực hiện việc tu sửa, tôn tạo công trình tượng đài Trần
Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng.
Bất
chấp lời giải thích vừa nêu, trong suốt 1 tuần kế tiếp, dư luận chống đối, bất
mãn đã tập trung tuyên truyền về 2 vụ việc vừa nêu, chủ yếu xoay quanh 3 thông
điệp.
Thứ
nhất, họ đồng loạt tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam "sợ Trung Quốc",
"bán nước cho Trung Quốc", nên mới "ngăn cấm người dân" tưởng
niệm các liệt sĩ hy sinh trong Chiến tranh Biên giới Việt - Trung. Từ đó, họ viết
rằng phải lật đổ chế độ, để tạo tiền đề giúp "giải quyết một cách dễ
dàng" các vấn đề lịch sử và vấn đề quan hệ với Trung Quốc.
Thứ
hai, một số người, như Nguyễn Viện, viết rằng Nhà nước đang "thiếu tự
tin" tới mức "ngăn cấm người dân yêu nước theo cách mà mình không thể
kiểm soát". Họ cho rằng việc này khiến Nhà nước "mất tính chính
danh".
Thứ
ba, một số người - như họa sĩ Đỗ Duy Ngọc và trang Đô thành Sài Gòn - mô tả việc
tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng như một âm mưu
"xóa ký ức về thành phố Sài Gòn".
Thứ
tư, họ đồng loạt tuyên truyền rằng việc dời lư hương khỏi tượng ông Trần Hưng Đạo
là một hành động "vô đạo", "xúc phạm dân tộc", "bất
kính với thần linh, tổ tiên", và rằng những cán bộ, công chức liên quan đến
việc di dời này sẽ "bị quả báo". Khi Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn
Thị Thu qua đời hôm 20/02 vì bệnh ung thư, họ viết với giọng hả hê rằng bà Thu
đã "bị Đức Thánh Trần vật", và chế độ cũng sắp phải trả giá, khiến
thông điệp này chiếm thế chủ đạo trong những ngày tiếp theo. Trong quá trình
lan truyền thông điệp này, nhiều cá nhân chống đối đã cố tình lợi dụng tâm lý
mê tín dị đoan của đám đông thiếu hiểu biết. Chẳng hạn, khi một số người bạn của
Bùi Quang Minh comment rằng bà Thu đã bị ung thư từ nhiều năm, đã bỏ ăn từ thời
điểm trước Tết, và bà không phải là người ra quyết định trong vụ việc; Minh làm
như không có các comment này, và tiếp tục tung tin.
Ngày
21/02, CLB Lê Hiếu Đằng viết thư ngỏ "yêu cầu chính quyền TP.HCM trả lại
lư hương trước tượng Đức Thánh Trần". Admin 3T của trang Đô thành Sài Gòn
cũng nhắc đến việc sẽ kêu gọi biểu tình hôm Chủ nhật, 24/02 để "đòi lại lư
hương", nhưng 1 ngày trước sự kiện vẫn chưa phát lời kêu gọi.
Sau
khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 2 ý kiến.
Thứ
nhất, theo chúng tôi được biết, thì tục lệ thờ cúng của người Việt không bao gồm
các nghi lễ như căng biểu ngữ, hô khẩu hiệu, tạo dáng chụp ảnh và đăng lên mạng
để tuyên truyền. Tượng đài ông Trần Hưng Đạo ở Quận 1, TP.HCM, cũng không có chức
năng tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong Chiến tranh Biên giới Phía Bắc.
Xét việc này, và việc cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đi thắp hương tưởng
niệm trong dịp 17/02 vừa rồi, chúng tôi không thấy có bằng chứng vững chắc để
khẳng định rằng Nhà nước đang "ngăn cấm tưởng niệm", hoặc "bất
kính với tổ tiên". Còn nếu giới "dân chửi" chỉ lợi dụng chuyện
tưởng niệm, chuyện Trung Quốc để kêu gọi lật đổ chế độ, như họ đang làm, thì
theo pháp luật Việt Nam, Nhà nước có quyền hành động để ngăn chặn họ.
Thứ
hai, chúng tôi rất bất ngờ trước thái độ của giới "dân chửi" trong vụ
"thánh vật". Dù tự xưng là "nhà hoạt động nhân quyền", họ
đang viện dẫn và sùng bái thần quyền đến mức mê tín. Dù tự xưng là những người
bất bạo động, yêu hòa bình, họ tỏ rõ sự độc ác, coi thường sinh mạng khi tỏ ra
hả hê trước bệnh tình của bà Nguyễn Thị Thu. Dù tự xưng là những người bảo vệ sự
thật, họ đang bóp méo sự thật để gây hoang mang trong dư luận, như những người
bạn của Bùi Quang Minh đã chỉ ra.
Mong
rằng trong tương lai, các nhà "dân chửi" sẽ được hưởng nhiều độc lập,
tự do hơn, thay vì tiếp tục lệ thuộc vào các lực lượng ở bển và ở trển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét