Loa Phường
Từ giữa tháng 08/2018, trang
Bauxite Việt Nam đã đăng một số bài lẻ tẻ, để tuyên truyền rằng đảng Cộng sản
không giành độc lập cho dân tộc, mà chỉ "cướp chính quyền" trong ngày
19/08 và 02/09/1945. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, một số tổ chức và cá nhân
chống đối, điển hình là đài BBC tiếng Việt và trang Bauxite Việt Nam, đã đẩy mạnh
triển khai hướng tuyên truyền đó.

Cụ thể, trang Bauxite Việt Nam
đã đăng một bài của Nguyễn Đình Cống, và BBC tiếng Việt đã phỏng vấn Trần Thanh
Hiệp, Hoàng Cơ Lân, Trương Nhân Tuấn và Nguyễn Quang A để đưa ra thông điệp vừa
nêu. Những người này đồng loạt nói rằng vì vua Bảo Đại đã tuyên bố bãi bỏ các
hiệp ước bảo hộ với Pháp, để thành lập Đế quốc Việt Nam (thân Nhật) từ ngày
11/03/1945, thực ra Việt Nam đã độc lập từ thời điểm đó. Khi Nhật đầu hàng quân
Đồng Minh, thì Đế quốc Việt Nam, dưới quyền vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng
Kim, trở thành chính thể chính thức của nước Việt Nam độc lập. Vì vậy, khi Việt
Minh "cướp diễn đàn" chính phủ Trần Trọng Kim vào ngày 19/08, và tuyên
bố lập quốc vào ngày 02/09/1945, Việt Minh không giành độc lập cho dân tộc, mà
chỉ cướp quyền của Trần Trọng Kim bằng bạo lực. Vì sau đó, đảng Cộng sản đã thiết
lập chế độ độc đảng, thay vì "trao quyền cho người dân" thông qua
"tự do bầu cử", chính thể hiện nay không đặt nền tảng chính đáng trên
nguyện vọng của nhân dân. Vì không kế thừa tính chính đáng từ cả các chính thể
đi trước lẫn lòng dân, chính thể hiện nay không có "tính chính thống".
Sau khi phát biểu thông điệp
chung đó, 5 người vừa kể phát triển thêm một số ý riêng, phục vụ cho động cơ và
niềm tin riêng của mỗi người. Chẳng hạn, Hoàng Cơ Lân nói rằng nếu vua Bảo Đại
nhờ quân đội Nhật "giữ an ninh trật tự" cho Việt Nam, rồi trao quyền
cho "những người có học" và "đức độ" như Trần Trọng Kim, thay
vì "đầu hàng Đảng Cộng sản", thì Việt Nam đã "khá hơn nhiều".
Trương Nhân Tuấn viết rằng chính thể hiện nay nên tuyên bố rằng mình "kế
thừa" tính chính thống từ những "nhà nước tiền nhiệm", như nhà
Nguyễn, thực dân Pháp và chính thể Việt Nam Cộng hòa, để được kế thừa chủ quyền
đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ các chính thể đó. Nguyễn Đình Cống
viết rằng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện qua bản Tuyên ngôn Độc lập và Di
chúc, thì "độc lập" không phải là mục đích sau cùng của chính thể, mà
chỉ là phương tiện để mang lại "nhân quyền, dân quyền", "tự do,
hạnh phúc cho toàn dân". Hai văn bản vừa nêu cũng không đề cập đến việc
xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, hay nói rằng yêu nước phải gắn với yêu Chủ nghĩa Xã
hội. Vì vậy, không được "lợi dụng danh nghĩa giành độc lập để kiến tạo nền
độc tài đảng trị".
Ngoài ra, trong cùng cuộc phỏng
vấn trên BBC tiếng Việt, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao đã bác bỏ quan điểm riêng của
ông Hoàng Cơ Lân. Ông Giao nói rằng "sau 1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam đã thực hiện kế thừa quốc gia về mặt tài sản, tư cách thành viên
một số tổ chức quốc tế, nợ công..." từ những chính quyền tồn tại trước đó.
Vì vậy, chính thể hiện nay không cần tuyên bố kế thừa Hoàng Sa, Trường Sa từ
chính thể Việt Nam Cộng hòa.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết
sau khi phát-xít Nhật tuyên bố "trao trả độc lập cho Việt Nam", Hoàng
đế Bảo Đại ký vào bản tuyên cáo độc lập do quân Nhật soạn sẵn, để thành lập
chính quyền mới thân Nhật, mang tên "Đế quốc Việt Nam", với Bảo Đại
làm vua và Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Chính quyền này không có Quốc hội,
cũng không có Hiến pháp. Mặt khác, Đế quốc Nhật Bản vẫn nắm quyền chi phối hoạt
động của Đế quốc Việt Nam. Đến các bộ trưởng của Đế quốc Việt Nam cũng không thể
làm được việc gì nếu không được cố vấn tối cao Nhật Bản đồng ý.
Tháng 08/1945, khi Nhật sắp bại
trận, Bảo Đại đã gửi thư cho Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc để đề nghị công nhận Đế
quốc Việt Nam là chính phủ đại diện của Việt Nam. Tuy nhiên, những bức thư này
đều không được hồi âm, bởi theo Tuyên bố Cairo, các nước trong khối Đồng Minh sẽ
không công nhận bất cứ chính phủ nào do Đế quốc Nhật Bản thành lập tại các lãnh
thổ chiếm đóng.
Trong cao trào của Cách mạng
Tháng Tám, ngày 23/08/2018, vua Bảo Đại đã trao bản tuyên bố thoái vị cho 2 đại
diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là Trần Huy Liệu
và Cù Huy Cận. Bản tuyên bố có những đoạn sau:
"...Mặc dầu Trẫm buồn rầu
nghĩ tới 20 năm qua Trẫm ở trong cái cảnh không thể thi-hành được việc gì đáng
kể cho nước nhà như lòng Trẫm muốn, Trẫm cũng quả-quyết thoái-vị nhường quyền
điều-khiển quốc-dân cho Chính-phủ Dân-Chủ Cộng-Hoà..."
"...Riêng Trẫm trong 20
năm Ngai vàng Bệ-ngọc, đã biết bao lần ngậm đắng nuốt cay. Từ nay Trẫm lấy làm
vui được làm dân một nước Độc-Lập, quyết không để ai lợi-dụng danh nghĩa của Trẫm
hay danh nghĩa của Hoàng-Gia mà lung-lạc quốc-dân nữa.
Việt-Nam Độc-Lập muôn năm!
Dân-Chủ Cộng-Hoà muôn
năm!"
Trong buổi lễ chuyển giao được
tổ chức vào ngày 30/08/1945, Bảo Đại đã đọc bản tuyên bố này ở lầu Ngọ Môn, Huế,
trước khi trao quốc ấn và quốc kiếm cho ông Trần Huy Liệu. Sau đó, ông Trần Huy
Liệu đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu Chính phủ.
Qua các đoạn trích và diễn biến
trên, có thể thấy chính vua Bảo Đại, người đứng đầu Đế quốc Việt Nam, đã không
công nhận Đế quốc Việt Nam là một nhà nước độc lập. Đồng thời, ông đã nhân danh
triều Nguyễn trao trả quyền lực cho nhân dân, qua lực lượng đại diện là Chính
phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập.
Ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa. Chính quyền mới đã tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 06/01/1946, và thông
qua Hiến pháp vào ngày 09/11/1946. Trong một thời gian ngắn, chính quyền mới
bao gồm nhiều đảng phái chính trị tham gia ở cấp trung ương và địa phương, như
Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt, Trostkist, Cao Đài, Hòa Hảo... Qua thời gian,
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và hậu thân là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam, đã được các quốc gia trên thế giới và Liên Hợp Quốc dần công nhận.
Qua các thông tin trên, có thể
thấy chính phủ Trần Trọng Kim là một nhà nước không hoàn chỉnh, không độc lập,
không dân chủ, không được quốc tế công nhận. Trong khi đó, Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa là một nhà nước hoàn chỉnh, độc lập, hình thành bằng một cuộc bầu cử dân chủ,
và đã được quốc tế công nhận. Người đứng đầu triều Nguyễn và chính phủ Trần Trọng
Kim, là ông Bảo Đại, đã chính thức chuyển giao quyền lực cho các đại diện của
Chính phủ Cách mạng Lâm thời, trước khi Nhà nước mới được chính thức thành lập.
Như vậy, đài BBC tiếng Việt và trang Bauxite Việt Nam đang nêu ra những vấn đề
không có thật, do thiếu hiểu biết về lịch sử hoặc nói dối. Đáng buồn là những
người tham gia hội luận hay chia sẻ về chủ đề này toàn “nhân sỹ trí thức” như
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi… đứng đầu các diễn đàn, hội
nhóm ‘đấu tranh dân chủ”, thay đổi chế độ chính trị hiện nay thì thật đáng lo
cho khả năng nhìn nhận, đánh giá lịch sử, bản chất sự việc. Trường hợp không phải
do nhận thức thiếu hụt thì rõ ràng họ đang bất chấp thực tế, hành xử bất lương,
bất chấp thủ đoạn chỉ vì cay cú khi dành cả cuộc đời chưa thay đổi được chế độ
chính trị hiện nay?
|
Người đứng đầu triều Nguyễn và chính phủ Trần Trọng Kim, là ông Bảo Đại, đã chính thức chuyển giao quyền lực cho các đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, trước khi Nhà nước mới được chính thức thành lập
Trả lờiXóa