Loa Phường
Mới đây, nhóm soạn thảo và phân phối sách "Gạc Ma - Vòng
tròn bất tử" đã đẩy mạnh cuộc tranh cãi xoay quanh cuốn sách này, đồng
thời nâng nó lên tầm khiếu nại và kiện tụng. Những tình tiết trong cuộc tranh
cãi này đã bị nhiều tổ chức, cá nhân chống đối, như trang Bauxite Việt Nam, lợi
dụng để tuyên truyền chống chế độ.

Hiện nay, nhóm soạn và phân phối cuốn sách đang phát triển cuộc
tranh cãi theo 3 hướng song song.
Một, là chứng minh rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh đã ra
lệnh "không được nổ súng" trong trận Gạc Ma, vì muốn "giao đất
cho Trung Quốc". Cụ thể, trong một bài viết đăng trên Facebook cá nhân vào
cuối tuần thứ 3 của tháng 08/2018, cựu binh Phan Trí Đỉnh đã đưa ra 4 bằng
chứng lịch sử ủng hộ quan điểm trên [2]. Thứ nhất, là một bài tường thuật trên
báo Nhân Dân năm 1988, trong đó Thiếu tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn
146, đã ra lệnh miệng "không được nổ súng" cho cán bộ chiến sĩ. Thứ
hai, là một đoạn trích ở trang 383 sách Lịch sử Quân chủng Hải quân, trong đó
khẳng định rằng trong trận Gạc Ma, Hải quân Việt Nam có phương án tác chiến
“Không nổ súng nhưng quyết tâm giữ đảo”. Thứ ba, là một bản tổng kết công tác
tham mưu - chiến lược, trong đó khẳng định rằng trong trận Gạc Ma năm 1988, Bộ
Tổng Tham mưu đã không nắm chắc âm mưu, hoạt động của hải quân Trung Quốc,
khiến lực lượng hải quân vùng 4 chưa sẵn sàng chiến đấu, dẫn đến việc tàu chiến
Trung Quốc bắn chìm tàu Việt Nam. Thứ tư, là nội dung bài phát biểu của
ông Lê Đức Anh trong chuyến đi thị sát Trường Sa ngày 07/05/1988; trong đó ngoài
việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, ông
Anh cũng khẳng định "tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt -
Trung". Bài viết này được Phạm Đức Bảo đăng trên Facebook cá nhân vào ngày
21/08/2018, còn bài gốc trên Facebook Nguyễn Trí Đỉnh hiện không còn. Ông
Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News, đồng thời là người khởi xướng
việc soạn cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử", đã Like bài đăng lại trên
Facebook Phạm Đức Bảo. Ngày 23/08, trang Bauxite Việt Nam đăng lại bài này dưới
tựa đề "Gạc Ma 'vả mõm' Nguyễn Thanh Tuấn". Bauxite Việt Nam cũng
chêm thêm một đoạn bình luận cuối bài, rằng vào năm 1990, ông Lê Đức Anh đã
"lén lút tiếp xúc Đại sứ Tàu để 'dò đá qua sông'", rồi "cho bè
lũ Lê Chiêu Thống sang Thành Đô", để "xin quân bành trướng khát máu
bảo kê ngai vàng, giam hãm đất nước, nhân dân dưới ách Cộng sản độc tài hắc ám,
tụt hậu".
Hướng khai triển thứ hai là mượn danh các lãnh đạo Đảng và Nhà
nước đã hoặc đang đương chức để tuyên truyền. Cụ thể, cuối bài viết vừa nêu,
Phan Trí Đỉnh viết rằng "một Hội đồng Thẩm định Quốc gia đã được thành lập
dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Bí thư Trung
ương để làm 'bà đỡ' cho cuốn sách này"; và "một khi lãnh đạo Đảng đã
chỉ thị cho Tuyên giáo Trung ương chuẩn y một việc gì liên quan đến lịch sử thì
tất yếu phải có mục đích chính trị sâu xa và tất yếu là có lý". Từ đó,
Đỉnh kết luận rằng cuốn sách ra đời với "sự đồng hành của nhiều vị lãnh
đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trong quá khứ và đương nhiệm". Vì vậy,
"đả kích, chụp mũ, phỉ báng các cá nhân làm sách" "cũng tức là
đả kích, chụp mũ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; và cao hơn, nguy hiểm thâm
độc hơn là đả kích chính diện “người ĐỨNG ĐẦU Ban Bí thư”, luôn mặc định được
Trung ương phân công trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực tư tưởng". Sau đó, chiều
ngày 25/08, Nguyễn Văn Phước và Phan Trí Đỉnh đồng loạt đăng ảnh chụp một bàn
tiệc, ở đó Nguyễn Văn Phước ký tặng cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử"
cho hai cựu Chủ tịch nước là Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang [3][4].
Hướng khai triển thứ ba là tố cáo và khởi kiện. Ngày 27/08, nhóm
biên soạn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" đã gửi đơn đến một loạt
các cơ quan trong ngành Tuyên giáo, Thông tin - Truyền thông và Quân đội, để tố
cáo các ông Nguyễn Thanh Tuấn, Hoàng Kiền và Tuần báo Văn nghệ TP.HCM "đưa
tin vu khống, sai sự thật" về cuốn sách [5]. Các cáo buộc "vu
khống" mà lá đơn đưa ra có nội dung tương tự như bài viết của Nguyễn Văn
Phước vào ngày 23/08/2018, mà báo cáo tuần trước đã đề cập. Ngoài ra, đơn còn
tố cáo Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn "đưa tin sai sự thật", vì hai lý
do. Một, là ông Tuấn viết rằng "đa số bạn đọc" đã "phản đối mạnh
mẽ" những "chi tiết sai sự thật" trong cuốn sách. Trong khi đó,
sau khi xem các phản hồi qua Facebook và qua thư, công ty First News tin rằng
"hầu hết bạn đọc" đã "đánh giá cao" sách của họ. Hai, là
nhóm soạn sách tin rằng ông Tuấn không có tư cách đại diện cho "tất cả
những người yêu nước, yêu chế độ Xã hội Chủ nghĩa" để phát ngôn, như ông
đã thể hiện trong bài viết. Cuối đơn, nhóm soạn sách cũng viết rằng khi Tuần
báo Văn nghệ TP.HCM đăng ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tuấn và ông Hoàng Kiền về
cuốn sách của họ, báo này đã "thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích"
của mình, là "đăng tải các sáng tác của thành viên Liên hiệp Hội văn học
nghệ thuật TP.HCM".
Trong cùng hướng khai triển này, ngày 30/08, Phan Trí Đỉnh viết
trên Facebook cá nhân rằng ông và luật sư Hà Huy Sơn đang "tiến hành làm
thủ tục kiện mấy vị tướng về hưu và phe nhóm" đã đòi thu hồi cuốn sách và
xúc phạm nhóm soạn sách [6].
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin có 3 nhận xét như sau:
Thứ nhất, dù có hay không lệnh "không được nổ súng"
trong trận Gạc Ma, chúng ta cũng phải thừa nhận 3 sự thật lịch sử [1]. Một, là
những người lính Việt Nam đã thật sự nổ súng bắn trả quân Trung Quốc, khiến
phía Trung Quốc có thương vong. Hai, là sau khi mất Gạc Ma, hải quân Việt Nam
vẫn tiếp tục kế hoạch xây công sự để khẳng định chủ quyền trên các bãi đá thuộc
quần đảo Trường Sa, khiến trong năm 1988, Việt Nam đóng giữ thêm được 11 bãi đá
và mỏ dầu DK1. Ba, là từ thời điểm đó đến nay, số điểm đóng giữ của Việt Nam
trên quần đảo Trường Sa chỉ tăng chứ không giảm. Theo báo cáo của chính phủ Mỹ,
thì vào năm 2015, Việt Nam đã kiểm soát 48 điểm trên quần đảo Trường Sa, cao
gấp đôi so với năm 1990. Trong khi đó, ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm 8
điểm, Đài Loan chiếm 1 điểm, Philippines chiếm 8 điểm, Malaysia chiếm 5 điểm.
Qua 3 sự thật lịch sử trên, có thể thấy Nhà nước Việt Nam không hề ra lệnh
"không được nổ súng" để "dâng đất cho Trung Quốc" trong
trận Gạc Ma, như trang Bauxite Việt Nam đang tuyên truyền.
Thứ hai, 4 bằng chứng mà Phan Trí Đỉnh đưa ra không giúp chứng
minh rằng cố Bộ trưởng Lê Đức Anh đã ra lệnh "không được nổ súng"
trong trận Gạc Ma năm 1988. Nó chỉ giúp khẳng định rằng Thiếu tá Trần Đức Thông
đã ra lệnh miệng như vậy, còn Bộ Tổng Tham mưu đã không nắm chắc hoạt động và
âm mưu của hải quân Trung Quốc, dẫn đến thất bại trong trận Gạc Ma. Không thể
gán lệnh miệng của một chỉ huy trên chiến trường, trong lúc cấp bách, với chiến
lược chung của Bộ Quốc phòng và chính sách ngoại giao chung của Việt Nam. Về
bằng chứng cuối cùng, khi phát biểu trong chuyến đi thị sát Trường Sa năm 1988,
cố Bộ trưởng Lê Đức Anh đã liên tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng quyết tâm giữ chủ quyền của nhân dân Việt
Nam, song song với việc khẳng định tình nghĩa giữa nhân dân Việt Nam và Trung
Quốc. Đó là một cách nói quen thuộc trong ngôn ngữ ngoại giao của nhiều quốc
gia. Nếu Phan Trí Đỉnh đọc lại bức thư mà vua Quang Trung viết cho nhà Thanh
sau khi đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị, ông sẽ thấy bài phát biểu của cố Bộ trưởng Lê
Đức Anh thể hiện tinh thần độc lập rõ ràng hơn hẳn thư đó.
Ngày 13/07/2018, công ty First News đã đính chính rằng cuốn
"Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" có 8 lỗi sai. Tờ đính chính khẳng định
rằng trong trận Gạc Ma, chỉ có lệnh "không được nổ súng trước", chứ
không phải lệnh "không được nổ súng". Qua việc Nguyễn Văn Phước Like
bài viết của Phan Trí Đỉnh, có thể thấy ông Phước đang tự mâu thuẫn với tờ đính
chính mà mình phát hành. Hy vọng ông Phước hành động thận trọng hơn trong tương
lai, để dư luận không lo ngại rằng ngoài việc đưa tin về trận Gạc Ma, cuốn sách
của công ty First News còn hướng đến những mục đích chính trị khác.
Thứ ba, khi công ty First News và ông Phan Trí Đỉnh tìm cách đưa
các ông Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, và "người đứng đầu Ban Bí
thư" vào câu chuyện quanh cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất
tử", dường như họ đang muốn biến vụ việc thành một chuyện "cung
đấu", thay vì một cuộc tranh luận học thuật hoặc tranh tụng dân sự thông
thường. Chúng tôi tin rằng việc này không giúp ích cho độc giả, cho các cựu
binh Gạc Ma, cũng như cho nền chính trị. Dù nhóm ông Hoàng Kiền có dự định đó
hay không, công ty First News cũng không nên làm như vậy.
Tham khảo
[1] "Điểm tin lề trái số 10 (05/08/2018): Mỹ – Trung đánh
nhau và hành động của chúng ta"
[2] "CỰU BINH PHAN TRÍ ĐỈNH PHẢN BÁC TRUNG TƯỚNG NGUYỄN
THANH TUẤN" - Phan Trí Đỉnh viết, Phạm Đức Bảo đăng lại trên Facebook cá
nhân, 21/08/2018, 02:01
[3] Post về việc ký tặng sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất
tử" cho các ông Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang - Nguyễn Văn Phước
(FB cá nhân), 25/08/2018, 14:12
[4] Post về việc ký tặng sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất
tử" cho các ông Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang - Phan Trí Đỉn h(FB
cá nhân), 25/08/2018, 15:51
[5] "ĐƠN TỐ CÁO VÀ ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ VIỆC ĐĂNG TIN VU KHỐNG,
SAI SỰ THẬT ĐỐI VỚI TÁC PHẨM “GẠC MA - VÒNG BẤT TỬ” CỦA TRUNG TƯỚNG NGUYỄN
THANH TUẤN VÀ THIẾU ƯỚNG HOÀNG KIỀN ĐĂNG TRÊN TUẦN BÁO VĂN NGHỆ. TP. HCM"
- Nguyễn Văn Phước (FB cá nhân), 27/08/2018, 11:59
[6] "CUỐN SÁCH GẠC MA - VÒNG TRÒN BẤT TỬ VÀ VIỆC KHỞI KIỆN NHỮNG
NGƯỜI XÚC PHẠM TÔI TRONG KHI TRANH LUẬN VỀ CUỐN SÁCH" - Phan Trí Đỉnh (FB
cá nhân), 30/08/2018, 10:38
thì bị chửi nhiều quá cũng phải phản ứng lại tí lấy lại chút danh dự tối thiểu chứ còn có kiện được hay không thì đương nhiên là không rồi, nó sai rõ ràng ra đó chứ có phải là là mập mờ nữa đâu
Trả lờiXóa